Tết đối với người Việt là ngày trọng
đại và thiêng liêng nhất. Đây là dịp để tất cả mọi người được nghỉ ngơi, ăn chơi
vui vẻ, là dịp để những người xa xứ tha
thiết được về thăm quê, sum họp gia đình và Tết ở miền quê thì thật đằm ấm, chan
chứa nghĩa tình.
Ở
quê mọi người chuẩn bị đón Tết từ rất sớm, vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch là
nhà nhà đã bắt tay vào công việc. Đầu tiên là làm cỏ sân vườn trước sau, chung
quanh nhà trồng đủ thứ các loại rau, cải như bắp cải, rau thơm, khổ qua, ớt, dưa
leo,… và một vài loại hoa như vạn thọ, cúc, … cho thêm sắc Xuân trong dịp Tết.
Kế
là đến mùa gặt lúa, sau khi mùa gặt đã xong, người dân sẽ tranh thủ bán một ít
lúa, nếu nhà nào có đàn heo, đàn gà, hay đàn vịt cũng sẽ bán một ít gọi là kiếm
tiền sài Tết và chừa lại một ít gà, vịt để khi Tết đến có thêm vài món đãi khách.
Dù gia đình ấy giàu có hay khó khăn, lúc này cũng sẽ tranh thủ mua sắm một ít đồ
đạc trong nhà, quần áo mới cho đàn con trẻ để mặc Tết.
Tiết
trời đã trở nên se lạnh, các lò bánh tráng đang tấp nập với công việc tráng bánh
liên tục, đủ các loại bánh như bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt, bánh trắng trắng,…quết
bánh phồng mì, bánh phồng nếp để kịp bán trong dịp Tết. Nếu gia đình nào khá giả
sẽ ra chợ mua hoặc đặt những lò bánh quen thuộc hay nhà nào khéo tay sẽ tự làm bánh
để ăn Tết, hay làm quà biếu cho người thân,
bạn bè, dòng họ một ít. Mùi gạo mới, mùi bánh mới sao mà thơm lừng, một mùi hương
sao mà thân thương quá.
Không
chỉ làm bánh mà việc làm bánh, mứt cũng là một phần quan trong trong việc chuẩn
bị cho ngày Tết. Nhà nào khéo tay sẽ làm đủ thứ các loại bánh mứt mỗi loại một ít
để đãi khách hay dùng làm quà biếu khi chúc Tết những người thân như mứt me, mứt
chuối, mứt gừng, mứt bí, mứt tắc,… các loại mứt này phải tranh thủ làm sớm dể
phơi cho kịp nắng thì mứt mới trong và dẻo được. Riêng mứt dừa thì làm trễ hơn
vì làm sớm quá sẽ không ngon.
Đến khoảng 20 Tết,
là lúc mọi người chuẩn làm các loại dưa chua như dưa kiệu, dưa cải, … Đây là những
món dưa ăn kèm với thịt heo kho rịu hay cuốn bánh tráng, hay ăn kèm với khô
nhâm nhi vài ly rượu đế thì thật tuyệt vời. Đây cũng là nét đẹp thắm đẫm tình
quê của người dân Nam bộ. Khi mọi người ngồi quây quần bên nhau trong dịp Xuân
về, chuyện trò cho nhau nghe những khó khăn trong cuộc sống, để trong năm mới
sẽ bỏ lại sau lưng những điều không mai ấy, hưởng một mùa xuân mới thật an
lành.
Đến
ngày 23 Tết là lúc mọi người tiễn ông Táo về chầu trời, để ông Táo báo cáo với
Ngọc Hoàng những việc đã xảy ra dưới trần gian trong năm cũ. Giờ đây không khí
Tết càng nhộn nhịp hơn. Ngoài ngõ cây mai vàng đã được lặt hết lá già, đâm chồi
nẩy lộc, nụ hoa đang căng tròn, sẽ là những bông hoa vàng tươi, khoe sắc thắm,
báo hiệu một mùa xuân hạnh phúc sẽ về. Mấy giò hoa lan cũng đua mình khoe sắc với
đủ màu tím, trắng; những chậu hoa cúc cũng đã bắt đầu trổ hoa, những nụ hoa
vàng, đỏ, tím, trắng cũng khoe mình đưa hương trong gió. Đó là hoa của mùa xuân,
một mùa xuân yêu thương.
Khoảng 29, 30 Tết là các công việc dọn dẹp trang hoàng nhà cửa,
chuẩn bị bánh, mứt đã xong. Giờ đây trên bàn thờ gia tiên đã được trang hoàng
chu đáo với mâm trái cây ngủ quả các loại, bình hoa có thêm nhành mai vàng rực
rỡ; có cặp dưa hấu thật to dán giấy đỏ thật đẹp, tất cả mang một ý nghĩa thiêng
liêng, cao cả, mang lời cầu chúc bình an và làm ăn phát đạt đạt trong năm mới.
Và giờ phút đoàn tụ gia đình đã đến, mọi người cùng quây quần bên mâm cơm tất
niên sau khi đã cúng rướt ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Tiếng cười, nói râm
ran, mọi người kể cho nhau nghe những vui buồn đã qua trong cuộc sống sau bao
ngày suôi ngược.
Ánh
lửa bập bùng, ấm áp và mùi hương nếp mới từ nồi bánh tét trong đêm đón giao thừa,
thời khắc của năm cũ và năm mới sao mà êm đềm, nôn nao quá. Đó là giây phút chào
đón năm mới, với bao hạnh phúc chan chứa, đong đầy!
M.H
M.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét